Wednesday, December 10, 2014

ÁO LỤA HÀ ĐÔNG (Thơ: Nguyên Sa, Phổ nhạc: Ngô Thụy Miên) _ Đăng Thảo soạn cho Guitar độc tấu & Trình tấu

Tôi yêu bài thơ "Áo Lụa Hà Đông" từ lúc còn mài đũng quần nơi trường Trung học Petrus-Ký (Sài-gòn) Lời thơ lãng mạn ngọt ngào đã làm say mê không biết bao nhiêu cô cậu học sinh trong độ tuổi mới lớn. Bài thơ được nắn nót chép vào những trang nhật ký hoặc gởi vào lưu bút cho nhau.
Ở Nam Úc (South Australia), bài thơ được đưa vào chương trình Lớp 12 Tiếng Việt (Vietnamese Studies - Background students) và các học sinh gốc Việt cũng rất yêu thích bài thơ này (Chú thích: Ở Nam Úc, Tiếng Việt là một môn học được dạy trong các trường Tiểu Học và Trung Học thuộc Bộ Giáo Dục NU)

Bài Thơ Áo lụa Hà Đông
Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát 
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông 
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng 
Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng 

Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn 
Mà mùa thu dài lắm ở chung quanh 
Linh hồn anh vội vã vẽ chân dung 
Bày vội vã vào trong hồn mở cửa 

Gặp một bữa anh đã mừng một bữa 
Gặp hai hôm thành nhị hỉ của tâm hồn 
Thơ học trò anh chất lại thành non 
Và đôi mắt ngất ngây thành chất rượu 

Em không nói đã nghe lừng giai điệu 
Em chưa nhìn mà đã rộng trời xanh 
Anh đã trông lên bằng đôi mắt chung tình 
Với tay trắng em vào thơ diễm tuyệt 

Em chợt đến, chợt đi, anh vẫn biết 
Trời chợt mưa, chợt nắng chẳng vì đâu 
Nhưng sao đi mà không bảo gì nhau 
Để anh gọi, tiếng thơ buồn vọng lại 


Để anh giận mắt anh nhìn vụng dại 
Giận thơ anh đã nói chẳng nên lời 
Em đi rồi, sám hối chạy trên môi 
Những ngày tháng trên vai buồn bỗng nặng 

Em ở đâu, hỡi mùa thu tóc ngắn 
Giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông 
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng 
Giữ hộ anh bài thơ tình lụa trắng

( Nguyên Sa - Thơ Nguyên Sa, Tổ hợp Gió xuất bản, Sài Gòn 1971)

Ngô Thụy Miên đã dùng những câu thơ sau đây để phổ nhạc thành bài hát "Áo Lụa Hà Đông" mà tôi đã soạn cho guitar độc tấu:

Áo lụa Hà Đông 

Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát 
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông 
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng 
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng 

Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn 
Mà mùa Thu dài lắm ở chung quanh 
Linh hồn anh vội vã vẽ chân dung 
Bày vội vã vào trong hồn mở cửa 

Em chợt đến, chợt đi, anh vẫn biết 
Trời chợt mưa, chợt nắng chẳng vì đâu 
Nhưng sao đi mà không bảo gì nhau ? 
Để anh gọi tiếng thở buồn vọng lại .... 

Em ở đâu, hỡi mùa Thu tóc ngắn? 
Giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông 
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng 
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng 
...Anh vẫn yêu màu áo ấy em ơi.

ĐĂNG THẢO ĐỘC TẤU GUITAR


BẢN NHẠC "ÁO LỤA HÀ ĐÔNG" DO ĐĂNG THẢO CHUYỂN SOẠN CHO GUITAR ĐỘC TẤU









Chúc quý vị và các bạn luôn tươi vui, mạnh khỏe và mọi thành công.


YÊU ĐỜI - YÊU NGƯỜI - YÊU ÂM NHẠC

Đăng Thảo


Wednesday, November 19, 2014

Gnossienne No.1 (Erik Satie) - Đăng Thảo Chuyển Soạn cho Guitar và Độc Tấu

Erik Satie tên đầy đủ là Éric Alfred Leslie Satie (17/5/1866 – 1/7/1925). Ông bắt đầu dùng tên Erik Satie từ năm 1884 cho các nhạc phẩm của ông. Ông là một sáng tác gia và một nhạc sĩ dương cầm người Pháp, và là một gương mặt nghệ sĩ nổi bật của kinh thành tráng lệ Paris ở đầu Thế kỷ 20.
Năm 1879 ông vào học ở Nhạc Viện Paris. Tuy nhiên các giáo sư ở đó cho rằng ông  không có năng khiếu âm nhạc và là nhạc sinh lười biếng nhất của Nhạc viện. Sau khi bị cho nghĩ học khoảng hai năm rưỡi, ông lại được nhận lại và Nhạc viện ở cuối năm 1885, nhưng cũng không thành công. Do đó, ông đã tình nguyện vàp phục vụ trong quân đội. Chỉ được vài tháng thì ông bị cho xuất ngũ sau khi đã cố tình để bị lây nhiễm bệnh viêm phế quản.

Ông bắt đầu xuất bản nhạc phẩm đầu tiên khi dời về sống ở khu Monmartre năm 1887. Từ đó ông bắt đầu hòa nhập với các nghệ sĩ của quán cà-phê ca nhạc Le Chat Noir và xuất bản nhạc phẩm được ưa thích Gymnopédies. Ông đã gặp gỡ, làm việccũng như làm bạn với các nghệ sĩ hàng đầu của Pháp đương thời như Claude Debussy, Maurice Ravel, Pablo Picasso, v.v... Từ năm 1899, ông sống bằng việc đánh đàn piano cho sân khấu ca nhạc. Những tác phẩm của ông cho piano rất thành công.

Gnossiene No.1 là một nhạc phẩm trong liên khúc Trois Gnossienes (Ba Gnossienes) cho piano. Trong nhạt phẩm này, ông đã phá bỏ những âm luật được dùng lâu đời trong truyền thống nhạc cổ điển. Ông không dùng vạch nhip trong khuôn nhạc, và thay đổi những âm giai cũ bằng những âm giai mới do ông sáng tạo. Trong bài nhạc chuyển thể cho guitar độc tấu dưới đây, tôi đã dùng vạch nhip để cho người đánh đàn dễ đọc và dễ thấy được phách mạnh phách yếu trong bài nhạc.

ĐĂNG THẢO ĐỘC TẤU GUITAR



BÀI NHẠC GNOSSIENNE NO.1 DO NGUYỄN ĐĂNG THẢO CHUYỂN SOẠN CHO GUITAR







Wednesday, March 5, 2014

Toccata - Paul Mauriat soạn cho Piano - Đăng Thảo Chuyển soạn cho Guitar và Trình tấu


Toccata là một trong những bài nhạc rất nổi tiếng của Paul Mauriat được Đăng Thảo chuyển soạn cho Guitar độc tấu. Toccata là tên thể lại nhạc đến từ từ tiếng Ý "Toccare", có nghĩa là "Chạm nhẹ", với đặc trưng nhấn mạnh đến những động tác chuyển động nhanh nhẹn nhẹ nhàng trên phím đàn của nhạc sĩ trình tấu.

Paul Mauriat (1925-2006) là một nhạc trưởng và nhạc sĩ dương cầm người Pháp, điều khiển giàn nhạc Giao hưởng  Le Grand Orchestre de Paul Mauriat chuyên trình diễn thể loại nhạc nhẹ dễ nghe. Ông sanh ra và lớn lên ở Marseille, Pháp. Ong bắt đầu đánh đàn lúc bốn tuổi và vào học ở nhạc viện Paris lúc 10 tuổi. Tuy nhiên đến lúc 17 tuổi ông lại yêu thích đam mê nhạc Jazz và nhạc thời trang.

 ĐĂNG THẢO ĐỘC TẤU GUITAR "TOCCATA"


BÀI NHẠC "TOCCATA" DO ĐĂNG THẢO CHUYỂN SOẠN CHO GUITAR